Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017 – 2025.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mục tiêu cụ thể của chương trình là xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 – 20 nhóm nghiên cứu mạnh.

Bên cạnh đó, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025, một số ngành đứng thứ 3 – 4 trong trong khối các nước ASEAN. Tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, trung bình hàng năm tăng 20% – 25%, đối với ngành khoa học biển từ 10% – 15%.

Chương trình xác định định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của 4 lĩnh vực khoa học cơ bản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, bao gồm những hướng chủ yếu: lĩnh vực hóa học (hóa hữu cơ, hóa dược, hóa vô cơ, hóa lý thuyết và hóa lý, hóa polymer và vật liệu, hóa phân tích); lĩnh vực khoa học sự sống (nghiên cứu sự sống ở mức độ phân tử, nghiên cứu sự sống ở mức độ mô và tế bào, nghiên cứu sự sống ở mức độ cơ thể, nghiên cứu sự sống ở mức độ quần thể và sinh thái); lĩnh vực khoa học trái đất (địa chất, địa vật lý và vật lý địa cầu, địa lý, khí tượng, khí hậu, thủy văn và tài nguyên nước); lĩnh vực khoa học biển (hải dương học và tương tác biển – khí quyển – lục địa, hóa học biển, sinh học và sinh thái biển, địa lý, địa chất, địa vật lý biển, cơ học và công trình biển). Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia theo những hướng nghiên cứu ưu tiên cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành, hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống.

Chương trình cũng đề ra các giải pháp như nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học; có hình thức khen thưởng học sinh, sinh viên đoạt giải tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ); thưởng cho các nhà khoa học đã công bố bài báo quốc tế trong nghiên cứu cơ bản (ISI, SCI, SCIE)… Đặc biệt, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia sẽ ưu tiên, tăng cường tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển.

LÂM NGUYÊN

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/phat-trien-khoa-hoc-co-ban-4-linh-vuc-442670.html